Ba đối tượng chịu án phạt nặng do vận chuyển và buôn bán trái phép sừng tê giác
Lào Cai, Việt Nam, ngày 16 tháng 05 năm 2019—Ba đối tượng bị bắt khi đang vận chuyển trái phép sừng tê giác từ biên giới Việt Nam sang Trung Quốc đã bị tuyên phạt tổng mức án là 27 năm tù. Bản án được Tòa án nhân dân thành phố Lào Cai đưa ra dựa trên các quy định mới trong Bộ Luật hình sự sửa đổi mà theo đó các tội liên quan tới động, thực vật hoang dã sẽ chịu những hình phạt khắc nghiệt hơn bao giờ hết.
“Trước đây các tội liên quan đến động, thực vật hoang dã thường chỉ bị xử phạt hành chính, tuy nhiên những quy định mới trong Bộ Luật hình sự sửa đổi, cụ thể bản án này hy vọng sẽ là lời cảnh tỉnh đối với ai có ý định phạm tội. Đây cũng là những hành động thiết thực chứng minh Việt Nam sẽ không khoan nhượng với loại tội phạm này” – Bà Sarah Ferguson, Giám đốc Văn phòng Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam chia sẻ.
Qua công tác quản lý địa bàn, CATP Lào Cai có thông tin về đường dây mua bán, vận chuyển một số sản phẩm từ động, thực vật hoang dã quý hiếm từ Việt Nam sang Trung Quốc tiêu thụ. Tháng 5/2018, phát hiện hai đối tượng, Dương Văn Thành và Dương Văn Sang, có nhiều biểu hiện nghi vấn, CATP Lào Cai đã theo dõi và tiến hành kiểm tra hành chính phương tiện của hai đối tượng này đang trên đường di chuyển từ Hà Nội lên Lào Cai. Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện hơn 20kg sừng tê giác được giấu trong 4 lọ lục bình. Quá trình điều tra mở rộng đã làm rõ vai trò chủ mưu, cầm đầu của Dương Văn Chiêm. Theo đó, Dương Văn Thành và Dương Văn Sang mỗi người chịu mức án 8,5 năm tù, Dương Văn Chiêm chịu mức án 10 năm tù.
TRAFFIC cũng như các tổ chức bảo tồn khác ghi nhận những nỗ lực không nhỏ của lực lượng chức năng trong quá trình điều tra phá án. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho rằng tội phạm liên quan đến động, thực vật hoang dã cần phải bị xét xử thích đáng.
Trong một thập kỷ trở lại đây, Việt Nam được biết đến là điểm nóng trung chuyển và tiêu thụ sừng tê giác do các quy định đối với loại tội phạm này còn tương đối lỏng lẻo, chưa hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ Luật hình sự sửa đổi đã ban hành các quy định nghiêm khắc và chặt chẽ hơn đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ động, thực vật hoang dã, cụ thể pháp nhân hoặc doanh nghiệp bị cáo buộc vi phạm các quy định trên có thể bị xử phạt lên tới 15 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; các cá nhân vi phạm có thể bị kết án đến 15 năm tù và bị phạt lên tới 2 tỷ đồng. Mặc dù vậy, vẫn còn những lỗ hổng luật pháp cần được xem xét như việc cá nhân tàng trữ trái phép ít hơn 50g sừng tê giác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
“Bản án này cho thấy Chính phủ và các cơ quan hành pháp tại Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc chiến đấu chống lại nạn buôn bán động, thực vật hoang dã” – Bà Sarah khẳng định.