Nhu Cầu Đối Với Các Sản Phẩm Từ Tê Tê Tại Châu Á
Trong giai đoạn 2015 – 2021, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 330 tấn tê tê và các bộ phận của chúng tại các quốc gia châu Á. Điều này cho thấy mối đe doạ hiện hữu đối với loài động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới này.
Báo cáo mới đây của TRAFFIC về số vụ bắt giữ trong khu vực, phát hành vào Ngày Tê tê Thế giới năm nay, cho biết có 1,141 vụ bắt giữ tại châu Á, bao gồm cả hai loài tê tê Châu Phi và Châu Á.
Tê tê bị thu giữ bao gồm tê tê nguyên con, cả còn sống và đã chết, cũng như các bộ phận của chúng. Do đó, số lượng thực tế có thể còn cao hơn do khối lượng các vụ thu giữ không phải lúc nào cũng được công bố rộng rãi.
Vảy tê tê - nguyên liệu sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền - chiếm phần lớn tang vật thu giữ được tại Châu Á.
Hơn một nửa số lượng tê tê và các bộ phận thu giữ ở Châu Á có nguồn gốc từ Châu Phi, cho thấy tê tê vẫn tiếp tục bị săn bắt ở Châu Phi để đáp ứng nhu cầu tại Châu Á.
Những kẻ buôn bán trái phép tê tê tại Châu Á rất tàn nhẫn và điều này dẫn đến những tổn thương không chỉ đối với bốn loài tê tê hoang dã nguy cấp tại Châu Á. Việc buôn bán trái phép và nhu cầu lớn đối với các sản phẩm từ tê tê khiến cho quần thể tê tê hoang dã ở Châu Phi cũng sẽ bị tàn phá.”
Ramacandra Wong, Chuyên gia phân tích Cấp cao của Văn phòng TRAFFIC Khu vực Đông Nam Á
Giai đoạn 2017-2019 đã chứng kiến một số vụ bắt giữ quy mô lớn nhất, hầu hết đều liên quan đến vảy tê tê Châu Phi. Trong khoảng thời gian này, đã có hơn 609 vụ bắt giữ tại Châu Á, tịch thu 244.600kg tê tê và 10.971 cá thể loài này.
Tuy nhiên, các vụ bắt giữ tê tê giảm mạnh trong một vài năm gần đây, giai đoạn 2020-2021 ghi nhận khoảng 233 vụ bắt giữ với 13.389kg vảy tê tê và 247 cá thể.
Sự sụt giảm này chủ yếu là do sự gián đoạn trong hệ thống vận chuyển hàng hoá toàn cầu dưới tác động của đại dịch COVID-19 hơn là sự suy giảm của hoạt động săn trộm.
“Các dữ liệu này cần được phân tích và xử lý cẩn trọng. Đây chỉ là con số tạm thời và ngay khi các quốc gia mở cửa trở lại và hoạt động thương mại toàn cầu gia tăng, nạn buôn lậu cũng sẽ tăng trở lại, theo đó hi vọng rằng hoạt động phòng chống và phát hiện tội phạm cũng sẽ được tăng cường,” trích lời bà Kanitha Krishnasamy, Giám đốc Văn phòng TRAFFIC Khu vực Đông Nam Á.
Mục tiêu quan trọng là ngăn chặn các băng nhóm tội phạm và đóng cửa các khu chợ buôn bán động, thực vật hoang dã vẫn đang hoạt động mà không có chế tài xử phạt nào. Người tiêu dùng cần phải chịu trách nhiệm cho hành vi mua sắm trái phép của mình, đồng thời cùng lúc cần giảm nhu cầu của người tiêu dùng.”
Kanitha Krishnasamy, Giám đốc Văn phòng TRAFFIC Khu vực Đông Nam Á
Các vụ bắt giữ quy mô lớn liên quan đến các sản phẩm từ tê tê liên tiếp kể từ năm 2020, đặc biệt là các lô hàng bắt giữ tại Châu Phi khi đang trong quá trình vận chuyển đi Châu Á, cho thấy vảy tê tê thô vẫn tiếp tục được săn lùng ở Châu Á.
Dữ liệu của TRAFFIC cho thấy 91% tổng khối lượng thu giữ là tại Trung Quốc đại lục, Việt Nam, Hong Kong, Malaysia và Singapore.
Trong khi từ lâu Đông Á và Đông Nam Á đã là nguồn cung, điểm trung chuyển và thị trường tiêu thụ tê tê thì các hoạt động săn trộm và buôn bán trái phép cũng bắt đầu gia tăng tại Ấn Độ trong thời gian gần đây
Mặc dù các vụ bắt giữ ở Ấn Độ không phải là các vụ bắt giữ có khối lượng lớn nhất, nhưng lại chiếm đa số các vụ bắt giữ tại châu Á trong giai đoạn 2015-2021. Tần suất số vụ bắt giữ tê tê đã gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Gần 70% trong số 287 vụ bắt giữ tại Ấn Độ bị phát hiện trong khoảng thời gian từ 2019-2021.
Đây là điều đặc biệt đáng quan ngại. Nếu mức độ săn trộm và buôn lậu này vẫn tiếp diễn, rất có thể loài tê tê Pangolin Manis crassicaudata Ấn Độ cũng sẽ bị xếp vào loài Cực kỳ Nguy cấp như đồng loại của chúng tại châu Á.”
Saket Badola, Trưởng đại diện của Văn phòng TRAFFIC Ấn Độ
Ba loài tê tê khác của Châu Á đã bị xếp vào loài Cực kỳ Nguy cấp do các nguy cơ từ hoạt động buôn bán thương mại.
Kể từ năm 2019, tất cả các loài tê tê đều đã bị nghiêm cấm trong giao dịch thương mại quốc tế. Tuy vậy, mạng lưới tội phạm vẫn tiếp tục tìm kiếm nguồn cung và buôn bán trái phép tê tê với những con số báo động.
TRAFFIC kêu gọi chính phủ các quốc gia Châu Á cùng quyết tâm tìm kiếm những giải pháp đi trước đón đầu nhằm chặn đứng tội phạm săn trộm, buôn bán trái phép, hạn chế hoạt động của các khu chợ buôn bán động vật hoang dã và giảm nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng với mong muốn mang lại cơ hội sinh tồn cho loài tê tê.
Notes: