TRAFFIC Logo

 

Published 27 Tháng mười một 2020

  English 

Chính phủ Việt Nam và USAID phối hợp đẩy mạnh truyền thông để bảo vệ động vật hoang dã

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2020 – Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cùng Tổ chức TRAFFIC phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề “Giải pháp truyền thông thay đổi hành vi bảo vệ động, thực vật hoang dã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học”. Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc dự án Chương trình Động vật Hoang dã Châu Á tại Việt Nam, được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.


Tham dự Hội thảo có hơn 50 đại biểu là cán bộ lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, chuyên viên đang công tác tại các Ban, cơ quan Đảng Trung ương và một số bộ, ngành có liên quan. Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày tham luận về những nội dung: Tổng quan về bảo vệ động, thực vật hoang dã tại Việt Nam; Hệ thống các quy định của pháp luật và các quy định của CITES;  Truyền thông bảo vệ động, thực vật hoang dã nhìn từ chính sách đến thực tiễn ở Việt Nam; Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông bảo vệ động, thực vật hoang dã; Truyền thông thay đổi hành vi và các kinh nghiệm quốc tế trong đấu tranh bảo vệ động, thực vật hoang dã của Trung Quốc và Autralia.

Các ý kiến thảo luận tại Hội thảo đều thống nhất cho rằng, để tạo ra sự thay đổi hành vi trong bảo vệ động, thực vật hoang dã, công tác thông tin, truyền thông phải có các phương pháp tác động thích hợp, dựa trên các nghiên cứu khoa học về cơ chế thay đổi hành vi của cá nhân, nhóm xã hội. Cơ chế này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chủ thể của tác động thông tin, truyền thông; đặc điểm nội dung, ngôn ngữ của tác động thông tin, truyền thông; đặc điểm môi trường, bối cảnh nơi diễn ra tác động thông tin, truyền thông... Việc áp dụng khoa học thay đổi hành vi đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người có vị thế, uy tín trong xã hội.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo vệ động, thực vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam là xuất phát từ nhu cầu sống của chính chúng ta, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, tôn vinh giá trị văn hoá và giá trị con người Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông bảo vệ động, thực vật hoang dã góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, bên cạnh vai trò của các phương tiện, hình thức thông tin như báo chí, văn học nghệ thuật, tuyên truyền miệng, sinh hoạt cộng đồng, mạng xã hội…, thì trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý có ý nghĩa quyết định. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần chú trọng hướng đến thay đổi cách ứng xử từ ứng xử chinh phục sang ứng xử cùng chung sống nhằm định hình giá trị biết chung sống, yêu quý và bảo vệ tự nhiên.

Kết quả thu được từ Hội thảo sẽ được Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổng hợp, chắt lọc để xây dựng báo cáo tư vấn về công tác bảo vệ động, thực vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học gửi tới lãnh đạo các Ban, cơ quan Đảng Trung ương và các cơ quan có liên quan.

Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) 

USAID là cơ quan phát triển quốc tế hàng đầu trên thế giới có vai trò thúc đẩy những thành tựu và kết quả tích cực về phát triển. Các hoạt động của USAID góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và sự thịnh vượng kinh tế của Hoa Kỳ, minh chứng cho tính cách hào phóng của người dân Mỹ và tạo điều kiện để quốc gia nhận viện trợ trở lên độc lập hơn cũng như tăng khả năng thích ứng trong mọi hoàn cảnh. Để biết thêm thông tin, truy cập https://www.usaid.gov/

Chương trình Động vật hoang dã Châu Á của USAID

Chương trình Động vật hoang dã Châu Á của USAID hỗ trợ các giải pháp phòng chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới. Chương trình hoạt động với mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng các bộ phận và sản phẩm từ động vật hoang dã; tăng cường năng lực thực thi pháp luật; nâng cao kiến thức luật pháp và các nghiên cứu về luật; cũng như đẩy mạnh hợp tác khu vực nhằm giảm bớt tội phạm buôn bán động vật hoang dã tại Đông Nam Á, cụ thể là tại các quốc gia Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Các hoạt động của Chương trình Động vật hoang dã Châu Á của USAID tập trung vào 4 loài động vật hoang dã bao gồm voi, tê giác, hổ và tê tê. Để biết thêm thông tin, truy cập www.usaidwildlifeasia.org


About USAID Wildlife Asia

USAID Wildlife Asia works to address wildlife trafficking as a transnational crime. The project works to reduce consumer demand for wildlife parts and products, strengthen law enforcement, enhance legal and political commitment and support regional collaboration to reduce wildlife crime in Southeast Asia, particularly Cambodia, China, Laos, Thailand and Viet Nam. USAID Wildlife Asia focuses on four species: elephant, rhinoceros, tiger and pangolin. For more information, please visit www.usaidwildlifeasia.org